Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách thường niên tỷ phú thế giới. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, tiếp tục là tỷ phú Việt Nam duy nhất được ghi danh trong xếp hạng này.
Forbes cho biết, biến động mạnh của thị trường chứng khoán toàn cầu, giá dầu giảm sâu, và đồng USD mạnh đã khiến “bản đồ” tỷ phú toàn cầu có sự thay đổi mạnh trong năm qua. Ngoài ra, năm nay cũng là năm mà lần đầu tiên số tỷ phú thế giới giảm kể từ năm 2009.
Những người siêu giàu
Bảng xếp hạng tỷ phú thường niên lần thứ 30 của Forbes có tất cả 1.810 gương mặt, giảm từ con số kỷ lục 1.826 người vào năm 2015. Tổng giá trị tài sản ròng của nhóm người giàu này đạt mức 6,48 nghìn tỷ USD, giảm 570 tỷ USD so với năm ngoái.
Đây cũng là năm mà giá trị tài sản ròng trung bình của mỗi tỷ phú trên thế giới giảm xuống kể từ năm 2010 - còn 3,6 tỷ USD, thấp hơn 300 triệu USD so với năm ngoái.
Đằng sau những con số này là một câu chuyện đầy “khốc liệt” về những người siêu giàu.
221 tỷ phú của năm 2015 đến nay không còn giữ được mức tài sản 10 con số tính bằng đồng USD. Bên cạnh đó, cũng có 198 người vươn lên ngôi vị tỷ phú.
29 tỷ phú của năm 2015 đã qua đời. 29 tỷ phú khác nhiều thời điểm “rớt hạng” xuống triệu phú rồi lại gắng gượng giành lại danh hiệu này.
Trong số những người giữ được ngôi tỷ phú từ năm 2015 sang năm 2016, có 892 người chứng kiến tài sản ròng suy giảm. Trong khi đó, số người tăng được giá trị tài sản ròng là 501 người.
Với khối tài sản ước tính đạt 1,8 tỷ USD, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, 47 tuổi, đứng thứ 1.011 trong xếp hạng tỷ phú thế giới năm 2016 của Forbes.
Năm nay là năm thứ tư liên tiếp ông Vượng lọt vào xếp hạng tỷ phú của Forbes. Năm ngoái, Forbes ghi nhận tài sản của ông Vượng đạt 1,7 tỷ USD và ông xếp thứ 1.118 trong danh sách. Tờ tạp chí cũng nói ông Vượng hiện là người giàu nhất ở Việt Nam.
Bill Gates vẫn nhất
Trong số 20 tỷ phú giàu nhất thế giới, chỉ có 2 người giữ nguyên vị trí của năm 2015. Đó là Bill Gates, nhà sáng lập hãng phần mềm Microsoft, và nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ Warren Buffett.
Khối tài sản ròng của Bill Gates được Forbes ước tính ở mức 75 tỷ USD, giảm 4,2 tỷ USD so với năm 2015. Tuy vậy, số tài sản này vẫn đủ lớn để ông là người giàu nhất thế giới năm thứ 3 liên tiếp. Trong 22 năm qua, có tới 17 năm Bill Gates giữ vị trí này.
Buffett tiếp tục là người giàu thứ 3 thế giới, trong khi tỷ phú Amancio Ortega, ông chủ thương hiệu Zara, lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2 của xếp hạng, đẩy “trùm” viễn thông Mexico Carlos Slim xuống vị trí thứ 4. Trong năm qua, tài sản của Slim sụt 27,1 tỷ USd, còn 59 tỷ USD, do giá cổ phiếu tập đoàn America Movil của ông lao dốc.
Nhà sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg là tỷ phú may mắn nhất năm 2016. Khối tài sản ròng của vị tỷ phú 31 tuổi đã tăng thêm 11,2 tỷ USD trong 1 năm, giúp anh nhảy lên vị trí thứ 6 của xếp hạng từ vị trí 16 của năm ngoái.
Zuckerberg và Jeff Bezos, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Amazon.com, là hai gương mặt lần đầu tiên lọt vào top 10 người giàu nhất thế giới của Forbes. Trong đó, Bezos đứng ở vị trí thứ 5.
Tỷ phú trẻ nhất thế giới năm 2016 theo ghi nhận của Forbes là một người thừa kế 19 tuổi đến từ Na-Uy có tên Alexandra Andresen. Cô gái trẻ này nắm 42% cổ phần trong công ty gia đình. Chị gái của Alexandra là Katharina là tỷ phú trẻ thứ nhì thế giới, mới 20 tuổi.
Bà Chu Quần Phi, người “phất” lên nhờ sản xuất mặt kính cho điện thoại thông minh, là tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes. Sở hữu khối tài sản ròng 5,9 tỷ USD, “bóng hồng” Trung Quốc này là một trong số 190 gương mặt nữ trong bảng xếp hạng, giảm từ mức 197 nữ tỷ phú của năm ngoái.
Mỹ có 540 tỷ phú, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tiếp theo là Trung Quốc đại lục có 251 người (Hồng Kông có 69 tỷ phú), và Đức với 120 tỷ phú. Xếp hạng có 77 tỷ phú Nga, giảm 11 người so với năm ngoái. Số tỷ phú của Brazil cũng giảm còn 23 người, từ 31 người trong năm 2015.
Tuy chứng khoán Trung Quốc biến động mạnh trong năm 2015, nước này vẫn là “lò sản sinh” tỷ phú của châu Á. Trong số 97 tỷ phú mới của châu Á năm qua, thì có 70 người đến từ Trung Quốc.